Hoàng đế Gia Long và công cuộc khai lập triều Nguyễn – 200 năm nhìn lại: Kỳ III – Chân dung và cuộc đời

Ban biên tập trân trọng giới thiệu tiếp bài viết thứ ba của tác giả Nguyễn Thu Hoài về Đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế. Ban biên tập trân trọng cám ơn tác giả và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 đã cho phép đăng tải loạt bài viết này trên trang web của Hội đồng Nguyễn Phúc Tộc Việt Nam.

– Thời niên thiếu

Sử chép, Gia Long sinh năm Nhâm Ngọ (1762), mùa xuân, tháng giêng, ngày Kỷ Dậu (ngày Rằm tháng Giêng). Là con thứ 3 của Hưng tổ Hiếu Khang hoàng đế (tức Hoàng tử Nguyễn Phúc Luân, con trai thứ 2 của Chúa Nguyễn Phúc Khoát), mẹ là Hiếu Khang hoàng hậu Nguyễn thị (con gái của Cai cơ Nguyễn Phúc Trung). Ông tên húy là Chủng, còn có tên húy là Noãn (do đức Duệ tông cho rằng chữ này có bộ Nhật là tượng của mặt trời lúc giữa trưa), lại có tên là Ánh, nên thường gọi là Nguyễn Ánh. Mùa thu năm Ất Dậu (1765), Hưng tổ mất, khi ấy Nguyễn Ánh mới lên 4 tuổi. Ông lớn lên, thông minh vốn sẵn nên được Duệ Tông (tức Chúa Nguyễn Phúc Thuần) rất quý cho ở trong cung. Năm Quý Tị (1773), Tây Sơn nổi lên, năm sau Giáp Ngọ (1774) quân Trịnh lại kéo vào, Chúa Nguyễn Phúc Thuần cho theo vào Quảng Nam, năm Ất Mùi (1775) lại vào Gia Định trao cho chức Chưởng sử, coi quân Tả dực. Mỗi khi có việc quân, Chúa đều cho ngồi cùng để bàn tính, ông nhận định nhiều điều rất sáng suốt, vì vậy các tướng đều tâm phục. Năm 1777, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ cầm đầu vào đánh chiếm Gia Định, Chúa tôi nhà Nguyễn phải bỏ thành chạy về Định Tường, Cần Thơ. Quân Tây Sơn truy đuổi gắt gao, Tân Chính vương Nguyễn Phúc Dương [1] và một số quan lại bị bắt rồi bị giết. Kể từ đây Nguyễn Ánh bắt đầu cuộc đời long đong tìm cách khôi phục vương nghiệp. 

Hoàng đế Gia Long và công cuộc khai lập triều Nguyễn – 200 năm nhìn lại: Kỳ II – Công cuộc kiến thiết triều Nguyễn

Ban biên tập trân trọng giới thiệu tiếp bài viết thứ hai của tác giả Nguyễn Thu Hoài về Đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế. Ban biên tập trân trọng cám ơn tác giả và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 đã cho phép đăng tải loạt bài viết này trên trang web của Hội đồng Nguyễn Phúc Tộc Việt Nam.

Sau một phần tư thế kỷ bôn ba, bắt đầu cầm quân đánh dẹp khi mới tròn 15 tuổi, 40 tuổi mới giành được ngôi vị, hơn ai hết vua Gia Long ý thức rất rõ về quyền lực và những mất mát tổn thất khi tranh giành quyền lực. Vì vậy ngay lập tức ông bắt tay vào công cuộc thiết chế bộ máy, xây dựng chính quyền, luật pháp, quy định nghi thức trong triều… Mục đích vừa để thiết lập một tổ chức nhà nước hoàn thiện nhưng trên hết là củng cố quyền lực của triều Nguyễn, một triều đại vừa mới được khai sinh. 

– Hành chính: 

Tại trung ương, vua Gia Long thiết đặt theo chế độ cũ của nhà Lê tức vẫn gồm Lục Bộ: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công. Đứng đầu các Bộ là Thượng thư, giúp việc cho Thượng thư có Tả Hữu Tham tri, dưới có Tả Hữu Thị lang và các thuộc viên Lang trung, Viên ngoại lang, Chủ sự, Thư lại… Ngoài Lục Bộ còn có hệ thống cơ quan chuyên môn tham mưu giúp việc cho nhà vua như: Tam Nội viện [1] (tức Thị thư viện, Thị hàn viện, Nội hàn viện), Thượng Bảo ty, Đô Sát viện, Thái Y viện, Hàn Lâm viện, Khâm Thiên giám. Ngoài ra vua cho đặt ra Tào chính là cơ quan coi giúp việc thuế khóa, vận tải; đứng đầu có các viên Tào chính sứ và Tào chính phó sứ. Đứng đầu triều không đặt chức danh Tể tướng [2], nhà vua cũng không đặt ngôi Hoàng hậu, chỉ đặt ngôi Hoàng phi và cung tần. Tại địa phương, vua Gia Long vẫn giữ nguyên cách phân chia hành chính từ thời các Chúa Nguyễn. Ở đàng Ngoài các cấp hành chính từ cao xuống thấp lần lượt là trấn, phủ, huyện, xã và ở đàng Trong là trấn, dinh, huyện, xã; dưới xã có thể có thôn, trại, ấp, ngoài ra đặt thêm cấp “tổng” ở trung gian giữa huyện và xã. Hai khu vực Bắc bộ và Nam bộ được phân thành các trấn và hợp thành Tổng trấn do 1 viên quan Tổng trấn đứng đầu như Bắc thành Tổng trấn, Gia Định Tổng trấn. Trong đó Bắc thành có 11 trấn gồm 5 nội trấn là Hải Dương, Kinh Bắc, Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, Sơn Tây và 6 ngoại trấn là Cao Bằng, Lạng Sơn, Hưng Hoá, Quảng Yên, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Trấn Gia Định (năm 1808 vua Gia Long đổi là Gia Định thành) gồm có 5 trấn là Phiên An, Biên Hoà, Vĩnh Thanh (sau chia ra Vĩnh Long và An Giang), Vĩnh Tường (sau đổi là Định Tường) và Hà Tiên. Khu vực Trung bộ từ Thanh Hoá đến Bình Thuận phân cấp hành chính theo kiểu quân khu, trong đó lấy Quảng Đức là nơi có Kinh đô làm trung tâm. Đặt Quảng Bình, Quảng Trị làm Hữu dực; Quảng Nam, Quảng Ngãi làm Tả dực gọi là các dinh và gộp 2 cánh Tả dực, Hữu dực với dinh Quảng Đức thành Trực lệ, tạo thành một khu vực quân sự mang tính chiến lược bao bọc và bảo vệ Kinh đô. Ngoài 5 dinh trực lệ, các trấn phía Bắc kinh thành gồm Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh gọi là Hữu kỳ; các trấn phía Nam từ Bình Định đến Bình Thuận gọi là Tả kỳ.Việc thiết triều, vua Gia Long quy định mỗi tháng thiết đại triều 2 lần tại điện Thái Hòa vào các ngày mồng 1 và rằm. Các quan từ Lục phẩm trở lên mặc áo mũ đại triều sắp hàng vào lạy chầu. Thiết thường triều 4 lần tại điện Cần Chánh vào các ngày mồng 5, 10, 20, 25; quan từ Tứ phẩm trở lên mặc áo mũ thường triều sắp hàng vào lạy chầu. Những ngày thiết đại triều tại Hoàng cung, quan các thành và dinh trấn bên ngoài đều phải đến Hành cung ở địa phương bái vọng. Ngoài ra vua Gia Long còn chuẩn định nghi thức trong các đại lễ khánh chúc của triều đình; nghi thức trang phục, nghi thức vào chầu; quy định dùng bảo tỷ, tiền tệ…Việc quản lý ruộng đất, nhân khẩu, năm Gia Long thứ 3 (1804) nhà vua xuống chiếu cho các tỉnh từ Nghệ An, Hà Tĩnh đến các trấn ở Bắc thành kê khai làm địa bạ (sổ ruộng đất) đệ nộp. Năm Gia Long thứ 9 (1810) bắt đầu cho lập Địa bạ từ Quảng Bình trở vào Nam. Mục đích lập Địa bạ là để quản lý ruộng đất, thu tô thuế, vạch định ranh giới giữa các đơn vị hành chính và tránh sự tranh chấp ruộng đất. Theo quy định, mỗi địa bạ được làm thành 3 bản Giáp, Ất, Bính; làm xong gửi nộp lên Bộ Hộ đóng dấu. Bản Giáp để lưu chiểu ở Bộ Hộ, bản Ất lưu chiểu ở thành trấn, bản Bính cấp cho các xã giữ làm bằng. Địa bạ được lập một cách có hệ thống và theo mẫu thống nhất trong phạm vi cả nước. Ngoài ra còn có Đinh bạ là loại sổ để quản lý dân đinh, tuyển lính và một số loại thuế đánh trên đầu người. Theo quy định “phàm suất đinh từ 18 tuổi trở lên, 59 tuổi trở xuống, chiểu thực khai rõ đầy đủ họ, tên, năm sinh chép vào sổ. Các quan văn võ khai rõ chức tước, phẩm hàm; những người đỗ đạt từ Hương cống trở lên; những người là dòng dõi con cháu các công thần triều trước để chiểu theo hạng cho miễn sai dịch.” [3]. Đinh bạ cũng được làm thành 3 bản giáp, ất, bính đệ trình.

Hoàng Đế Gia Long và công cuộc khai lập Triều Nguyễn – 200 năm nhìn lại: Kỳ I – Lập nước, đặt quốc hiệu, xưng Hoàng Đế

Để có cái nhìn đúng đắn công lao của Đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế, Ban biên tập xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết nhiều kỳ của tác giả Nguyễn Thu Hoài, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1. Ban biên tập trân trọng cám ơn tác giả và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 đã cho phép đăng tải lại trên trang web chính thức của Hội đồng Nguyễn Phúc Tộc Việt Nam.

Gia Long, vị Hoàng đế đầu tiên sáng lập nên triều Nguyễn, trị vì từ năm 1802 đến năm 1820. Ông là người thống nhất giang sơn về một mối sau gần 300 năm chia cắt bởi cuộc chiến phân tranh Trịnh-Nguyễn. Nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của Hoàng đế Gia Long, cùng nhìn lại sự nghiệp của ông và công cuộc khai sáng vương nghiệp nhà Nguyễn qua Châu bản và một số tư liệu lịch sử.

Gia Long tên thật là Nguyễn Phúc Ánh (Nguyễn Ánh), còn có húy là Chủng () hay Noãn (), là con trai thứ ba của hoàng tử Nguyễn Phúc Luân với bà Nguyễn Thị Hoàn, và là cháu nội của Chúa Nguyễn Phúc Khoát. Ông sinh ngày 15 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (ngày 8 tháng 2 năm 1762), mất ngày 19 tháng 12 năm Kỷ Mão (ngày 3 tháng 2 năm 1820), truyền ngôi cho Hoàng Thái tử Nguyễn Phúc Đảm tức vua Minh Mệnh (Minh Mạng). Có thể nói cuộc đời Nguyễn Ánh (Gia Long) là sự nghiệp của một võ tướng trên lưng ngựa. Năm 1777 khi mới 15 tuổi ông đã phải bôn tẩu gian nan, cùng với gia tộc chúa Nguyễn bắt đầu cuộc chiến 25 năm với Tây Sơn để khôi phục ngôi vị. Cho đến nay có khá nhiều quan điểm trái ngược về Nguyễn Ánh, nhiều người cho rằng ông bắt tay với Xiêm La, Pháp và nhà Thanh để chống lại Tây Sơn. Việc cầu viện ngoại bang nhằm khôi phục vương quyền đã khiến Nguyễn Ánh bị chỉ trích rất nhiều. Tuy nhiên khách quan mà nói, ông là người có đóng góp không nhỏ trong việc thống nhất giang sơn, kết thúc cuộc nội chiến liên miên nhiều thế kỷ ở Việt Nam. 

Chân dung Hoàng Đế Gia Long Nguồn : Sưu tầm

Có thể nói cuộc đời Nguyễn Ánh (Gia Long) là sự nghiệp của một võ tướng trên lưng ngựa. Năm 1777 khi mới 15 tuổi ông đã phải bôn tẩu gian nan, cùng với gia tộc chúa Nguyễn bắt đầu cuộc chiến 25 năm với Tây Sơn để khôi phục ngôi vị. Cho đến nay có khá nhiều quan điểm trái ngược về Nguyễn Ánh, nhiều người cho rằng ông bắt tay với Xiêm La, Pháp và nhà Thanh để chống lại Tây Sơn. Việc cầu viện ngoại bang nhằm khôi phục vương quyền đã khiến Nguyễn Ánh bị chỉ trích rất nhiều. Tuy nhiên khách quan mà nói, ông là người có đóng góp không nhỏ trong việc thống nhất giang sơn, kết thúc cuộc nội chiến liên miên nhiều thế kỷ ở Việt Nam. Năm 1792, vua Quang Trung mất, nội bộ nhà Tây Sơn suy yếu, lợi dụng cơ hội đó Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn. Năm 1802 ông chính thức lên ngôi vua, lấy niên hiệu Gia Long, mở ra một triều đại quân chủ mới – Triều Nguyễn [1].

Ngày mồng 1 tháng 5 năm Nhâm Tuất (1802) ông cho lập đàn ở đồng An Ninh, hiệp tế trời đất, kính cáo việc đặt niên hiệu. Hôm sau kính cáo vong linh liệt thánh, lễ xong vua ngự ở điện, nhận lễ chầu mừng. Đặt niên hiệu là Gia Long, đại xá cho cả nước, ban chiếu cùng 6 điều thi ân.Năm 1804, sau khi lên ngôi sắp đặt chính trị ổn định, vua Gia Long sai Lê Quang Định cùng các sứ thần sang nước Thanh cầu phong và đề nghị công nhận quốc hiệu Nam Việt với ý nghĩa “Các đời trước mở mang cõi viêm bang, mỗi ngày một rộng lớn, bao gồm cả các nước Việt Thường, Chân Lạp, dựng quốc hiệu là Nam Việt, truyền nối hơn 200 năm. Nay đã vỗ yên được toàn cõi Việt, nên cho khôi phục hiệu cũ để chính danh tốt”. Nhưng vua nước Thanh cho rằng chữ Nam Việt dễ bị nhầm lẫn bao gồm cả Đông Tây Việt [2] nên không muốn cho. Vua Gia Long hai ba lần phục thư biện giải, lại nói nếu không cho thì không thụ phong. Vua nhà Thanh ngại mất lòng, mới cho dùng chữ Việt Nam để đặt tên nước [3].