Hoàng đế Gia Long và công cuộc khai lập triều Nguyễn – 200 năm nhìn lại: Kỳ III – Chân dung và cuộc đời

Ban biên tập trân trọng giới thiệu tiếp bài viết thứ ba của tác giả Nguyễn Thu Hoài về Đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế. Ban biên tập trân trọng cám ơn tác giả và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 đã cho phép đăng tải loạt bài viết này trên trang web của Hội đồng Nguyễn Phúc Tộc Việt Nam.

– Thời niên thiếu

Sử chép, Gia Long sinh năm Nhâm Ngọ (1762), mùa xuân, tháng giêng, ngày Kỷ Dậu (ngày Rằm tháng Giêng). Là con thứ 3 của Hưng tổ Hiếu Khang hoàng đế (tức Hoàng tử Nguyễn Phúc Luân, con trai thứ 2 của Chúa Nguyễn Phúc Khoát), mẹ là Hiếu Khang hoàng hậu Nguyễn thị (con gái của Cai cơ Nguyễn Phúc Trung). Ông tên húy là Chủng, còn có tên húy là Noãn (do đức Duệ tông cho rằng chữ này có bộ Nhật là tượng của mặt trời lúc giữa trưa), lại có tên là Ánh, nên thường gọi là Nguyễn Ánh. Mùa thu năm Ất Dậu (1765), Hưng tổ mất, khi ấy Nguyễn Ánh mới lên 4 tuổi. Ông lớn lên, thông minh vốn sẵn nên được Duệ Tông (tức Chúa Nguyễn Phúc Thuần) rất quý cho ở trong cung. Năm Quý Tị (1773), Tây Sơn nổi lên, năm sau Giáp Ngọ (1774) quân Trịnh lại kéo vào, Chúa Nguyễn Phúc Thuần cho theo vào Quảng Nam, năm Ất Mùi (1775) lại vào Gia Định trao cho chức Chưởng sử, coi quân Tả dực. Mỗi khi có việc quân, Chúa đều cho ngồi cùng để bàn tính, ông nhận định nhiều điều rất sáng suốt, vì vậy các tướng đều tâm phục. Năm 1777, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ cầm đầu vào đánh chiếm Gia Định, Chúa tôi nhà Nguyễn phải bỏ thành chạy về Định Tường, Cần Thơ. Quân Tây Sơn truy đuổi gắt gao, Tân Chính vương Nguyễn Phúc Dương [1] và một số quan lại bị bắt rồi bị giết. Kể từ đây Nguyễn Ánh bắt đầu cuộc đời long đong tìm cách khôi phục vương nghiệp.