Hoàng đế Gia Long và công cuộc khai lập triều Nguyễn – 200 năm nhìn lại: Kỳ III – Chân dung và cuộc đời

– Bắt đầu sự nghiệp

Năm Canh Tý (1780) mùa xuân, tháng giêng, theo đề nghị của quần thần cho rằng cần phải chính danh xưng để tiễu phạt, Nguyễn Ánh lên ngôi vương tại Gia Định. Về hành chính, văn thư truyền xuống gọi là Chỉ truyền, sai phái gọi là Chỉ sai, biểu chương của quần thần đều xưng là Bẩm, dùng ấn Đại Việt quốc Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo (ấn này do Hiển tông Hiếu minh hoàng đế đúc làm, nay dùng làm báu vật truyền ngôi), nhưng vẫn theo niên hiệu nhà Lê.Để khôi phục vương quyền, Nguyễn Ánh bắt đầu tìm đến sự giúp đỡ của ngoại bang. Năm Quý Mão (1783), tháng 7 ông nghe tin Bá Đa Lộc [2] một Giáo sĩ người Pháp thường qua lại Gia Định và khá có ảnh hưởng với chính phủ Pháp bèn sai người đến mời. Bá Đa Lộc hứa giúp ông dẹp Tây Sơn dựng lại vương triều nhưng yêu cầu phải có thứ để làm tin, Nguyễn Ánh nói rằng: “Đời xưa các nước giao ước cùng nhau, lấy con làm tin. Ta lấy con là Cảnh làm tin”. Lúc đó Hoàng tử Cảnh, con cả của Nguyễn Ánh với chính phi (sau này là Thừa Thiên Cao Hoàng hậu) mới 4 tuổi. Nhưng vì đại nghiệp ông cùng phi gạt nước mắt giao con cho Bá Đa Lộc đưa làm con tin sang Pháp. Ông sai bọn Phó vệ úy Phạm Văn Nhân và Cai cơ Nguyễn Văn Liêm cùng đi. Cảnh đi rồi, vua bỏ ra một thoi vàng (vàng mười tuổi, 20 lạng) chặt đôi trao cho phi một nửa dặn rằng: “Con ta đi rồi, ta cũng đi đây. Phi ở lại phụng thờ quốc mẫu, chưa biết sau này gặp nhau ở nơi nào, ngày nào, hãy lấy vàng này làm tin [3].

Sau khi chia tay vợ con, Nguyễn Ánh tiếp tục cuộc đời chinh chiến, từng phải nương náu ở Xiêm La rồi lại trở về Gia Định. Trong suốt những năm sau đó cho đến lúc khôi phục vương quyền ông bôn tẩu khắp nơi, vào sinh ra tử, truyền thuyết về việc ông được các thế lực siêu nhiên giúp đỡ cũng rất nhiều. Năm 1787, nước Pháp với sự trung gian thuyết khách của Giám mục Bá Đa Lộc đã đồng ý giúp Nguyễn Ánh nhưng với điều kiện Bá Đa Lộc phải đại diện cho Nguyễn Ánh ký với Bá tước De Montmorin, đại diện cho nước Pháp một bản giao ước (còn gọi là Hiệp ước Versailles 1787). Hiệp ước gồm 10 khoản đại ý rằng: Nước Pháp sẽ giúp Nguyễn Ánh về vũ khí và quân đội, đổi lại nhượng cho nước Pháp cửa Hội An (Faifo) và đảo Côn Lôn (Poulo Condore). Ngoài ra phải để cho nước Pháp được ra vào tự do buôn bán, đồng thời kiểm soát việc buôn bán của các nước Tây Âu khác tại An Nam. Nước Pháp cũng đặt điều kiện “trả nợ chiến tranh” bằng việc An Nam phải cung cấp lương thực, quân đội, tàu thuyền, vũ khí trong các cuộc chiến tranh khác của Pháp ở Viễn Đông tương đương với những gì nước Pháp sẽ giúp Nguyễn Ánh. Cuối năm 1787 Bá Đa Lộc đem Hoàng tử Cảnh rời nước Pháp trở về An Nam. Tuy nhiên ngay sau đó cuộc Cách mạng Pháp năm 1789 đã lật đổ chính quyền Hoàng gia lúc đó, vì vậy Hiệp ước này đã không thể thành hiện thực [4].

Mặc dù không nhận được sự giúp đỡ của nước Pháp, nhưng dựa vào sự mâu thuẫn nội bộ của anh em nhà Tây Sơn và sự ủng hộ của dân chúng Nam kỳ vẫn tưởng 

nhớ công ơn các Chúa Nguyễn, Nguyễn Ánh từng bước giành lại vị thế. Ông dần thu phục được Nam kỳ rồi đến Bình Định, Phú Xuân. 

Tháng 5 năm Nhâm Tuất (1802) Nguyễn Ánh lên ngôi vương, đặt niên hiệu Gia Long. Ông lên ngôi khi đã tròn 40 tuổi sau nửa đời chinh chiến. Ngay sau đó ông tiếp tục lên đường chinh phục Bắc Hà. Tuy nhiên việc thu phục lần này không phải đổ máu vì dân chúng Bắc Hà cũng đã quá mệt mỏi vì chiến tranh nên việc bình định diễn ra nhanh chóng. Vua Gia Long chính thức thống nhất giang sơn về một mối, mở ra một triều đại mới trong lịch sử nước Nam – Triều Nguyễn.

– Dung mạo 

Chính sử nhà Nguyễn không ghi chép về dung mạo của vua Gia Long nhưng việc ông thường giao thiệp với nước ngoài nhất là với người Pháp nên trong một số tư liệu nước ngoài có những mô tả về dung mạo của ngài khá thú vị. Đặc biệt trong Hồi ức của Michel Đức Chaigneau, một người Pháp đã theo cha là Jean Baptiste Chaigneau đến An Nam từ khi còn rất nhỏ. Cha ông là người rất có ảnh hưởng với vua Gia Long, vì vậy ông thường xuyên được ra vào Hoàng cung. Hình ảnh vua Gia Long được mô tả khá chi tiết “Vua Gia Long có vóc dáng cao hơn người bình thường và có thể lực khá cường tráng. Mái đầu bạc tôn quý của ngài cân đối với thân hình. Khuôn mặt Đức vua thật uy nghi và thần thái, cho thấy một tấm lòng cao cả bao dung, ngài có những cử chỉ thật trang nhã và tính cách thân thiện, nhất là trong những lần trao đổi thân tình… Nhà vua có sắc da sáng, mắt tinh anh, râu bạc trắng, khá rậm so với người bình thường ở xứ này… Về tính cách Vua là người có trí tuệ và hoài bão. Do trải qua nhiều gian nan thử thách, ngài có được sự chín chắn trong đánh giá người và sự việc. Ngài nắm rõ mọi ngóc ngách của hệ thống hành chính vương triều, hơn cả những vị Thượng thư mà ngài nhiều lần bắt lỗi. Nhưng ngoài công việc phải trao đổi nghiêm túc, ngài là người vui tính và dễ mến...” [5]

– Những ngày cuối đời

Hoàng đế Gia Long ở ngôi được 18 năm, sắp đặt chính trị, xây dựng luật pháp, tổ chức bộ máy hành chính tương đối ổn định. Những ngày cuối đời vua đau ốm nhiều, có lẽ do thời trẻ ngài xông pha trận mạc, chịu nhiều gian khổ, cơ thể ngấm tà độc. Châu bản triều Nguyễn đặc biệt có một tập trình gồm 94 văn bản gọi là Ngự dược nhật ký của Thái Y viện ghi chép rõ những bài thuốc vua dùng trong năm cuối đời. Tập văn bản bắt đầu từ giữa tháng Giêng và kết thúc bản trình cuối là ngày 15 tháng Chạp năm Kỷ Hợi (1819) trước khi nhà vua mất 4 ngày. Trong đó chủ yếu là các bài thuốc giúp nhà vua phục hồi sức khỏe, bồi bổ gan, dạ dày, tỳ; thỉnh thoảng có bài thuốc bôi ngoài da chống sẩn ngứa. Bắt đầu từ tháng 10 nhật ký có thêm phần ghi chép chi tiết của các Thái y về tình trạng mạch của nhà vua. Có thể thấy giai đoạn này tình trạng sức khỏe của vua Gia Long đã giảm sút mạnh, vua ăn không tiêu do suy tỳ vị và dạ dày. Thậm chí một số ngày vua được Ngự y thăm khám 2 lần, sáng và chiều bởi cả Chánh Ngự y Nguyễn Tiến Hậu và Phó Ngự y Đoàn Văn Hòa. Từ ngày 10 tháng Chạp, có lẽ nhận thấy sức khỏe của nhà vua khó để cứu vãn nên Ngự y kê các bài thuốc chủ yếu để duy trì sự sống. 

Châu phê của vua Gia Long trên đơn thuốc của Thái Y năm 1819: Tiểu hàn đã qua, thời tiết đang dần ấm, chính là lúc mong được mạnh! : Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I/ Châu bản triều Nguyễn.

Ngày 11 tháng Chạp, khi biết bệnh tình không thể qua khỏi, vua Gia Long cho triệu Hoàng thái tử và các Hoàng tử tước công cùng các đại thần là Lê Văn Duyệt, Phạm Đăng Hưng vào cung để cùng nhận di chiếu. Giao cho Hoàng Thái tử Nguyễn Phúc Đảm lên kế vị, Lê Văn Duyệt kiêm giám năm dinh quân Thần sách. Ngày Đinh  Mùi (19 tháng Chạp), vua băng ở điện Trung Hòa, thọ 58 tuổi, miếu hiệu Thế tổ Cao hoàng đế, an táng ở lăng Thiên Thụ. Vua trước nối ngôi chúa ở Gia Định trong 22 năm; đến lúc lấy lại Kinh đô cũ, đặt niên hiệu là Gia Long. Khi thiên hạ đã định, mới lên ngôi Hoàng đế, được 18 năm. Dấy lại nghiệp cũ, dựng nên nghiệp mới, công đức đều lớn, từ đời Hồng Bàng trở xuống, chưa bao giờ có. Khi mới dựng nước, xây thành quách, sửa lăng tẩm, dựng Giao Miếu Xã Tắc, ban tước, định lộc, mở khoa thi lấy học trò, dựng lễ nhạc, học hiệu, định pháp độ, điều luật, giữ cho con cháu họ Lê họ Trịnh, ấm thụ dài đời cho công thần, khước đồ hiến của Tây di, cẩn thận phòng nước Xiêm, yêu nuôi nước Chân Lạp, vỗ về nước Vạn Tượng, uy danh lừng phương xa, nhân đức trùm nước nhỏ, quy mô cũng đã xa rộng. [6]

Đón xem Kỳ 4: Cuộc chuyển giao quyền lực

Chú thích:

[1] Cháu đích tôn của Chúa Nguyễn Phúc Khoát.

[2] Bá Đa Lộc tên tiếng Pháp là Pierre Joseph Georges Pigneau de Behaine hay Pigneau de Behaine còn gọi là  Cha Cả (1741-1779), một Giám mục người Pháp đã giúp Nguyễn Ánh tìm cách khôi phục vương triều. Ông cũng là người có công soạn cuốn tự điển Dictionarium Anamitico Latinum vào năm 1773, chú bằng chữ Latin, chữ quốc ngữ, chữ Hán và chữ Nôm. Bản gốc cuốn tự điển này hiện đang được lưu trữ tại Thư viện của Hội Truyền giáo Ngoại quốc tại Paris.

[3] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch của Viện Sử học, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2002, trang 218.

[4] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược (Histoire du Việt Nam), bản in lần thứ 5, ấn bản của Tân Việt, Sài Gòn, 1954, trang 390-391.

[5] Lê Đức Quang, Trần Đình Hằng, Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX qua hồi ức của Michel Đức Chaigneau, NXB Thuận Hóa, Huế, 2016, 187-188.

[6] Đại Nam thực lục, đã dẫn, trang 1004.