Hoàng đế Gia Long và công cuộc khai lập triều Nguyễn – 200 năm nhìn lại: Kỳ II – Công cuộc kiến thiết triều Nguyễn

– Luật pháp:

Ngay năm 1802 khi mới định ngôi xong, vua Gia Long đã sai Đình thần tham khảo Luật nhà Lê để biên soạn luật lệnh cho triều đình gồm 15 điều. Mùa thu tháng 7 năm Ất Sửu (1805) vua lại đề xuất biên soạn bộ luật hoàn chỉnh làm căn cứ cho hoạt động hình pháp. Sau đó Hình bộ Thượng thư Nguyễn Tử Châu dâng bản Hình luật, vua triệu các văn võ đại thần tuyên đọc và tự thân xét định. Tuy nhiên bộ hình luật này chưa được ban hành.Năm Gia Long thứ 10 (1811) vua lại sai Đình thần soạn định luật lệ, lấy Nguyễn Văn Thành làm Tổng tài, Vũ Trinh làm Toản tu, Trần Hựu làm Hiệp biện Toản tu để biên soạn. Tháng 7 năm thứ 11 (1812) Luật soạn xong gồm 22 quyển, 398 điều. Trong đó Hình danh và Phàm lệ 45 điều, luật Lại 27 điều, luật Hộ 66 điều, luật Lễ 26 điều, luật Binh 58 điều, luật Hình 166 điều, luật Công 10 điều. Vua tự tay xét định và làm bài tựa đặt ở đầu. Bài tựa ngự đề viết: “Trẫm xét thấy bậc thánh nhân xưa cai trị đất nước bằng hình phạt và đức hóa. Hai việc này xưa nay đều không thể thiếu… [Trẫm] xem lại hình luật của các đời thì thấy đời Lý, Trần, Lê của nước Việt ta được hưng vượng, đời nào cũng có điển chế luật pháp của đời ấy. Nhưng đầy đủ nhất phải kể đến đời Hồng Đức [nhà Lê]. Các đời Hán, Đường, Tống, Minh của Bắc triều dựng nên luật lệnh, đời nào cũng có sửa đổi, nhưng hoàn bị nhất là đời Thanh. Vì vậy Trẫm sai các quan trong triều chuẩn theo pháp điển luật lệnh, tham khảo luật thời Hồng Đức và của nhà Thanh, cân nhắc tuyển chọn xem điều nào đáng dùng, điều nào đáng bỏ, biên tập thành sách. Trẫm tự mình xem xét, sửa chữa cho đúng đắn, để ban hành khắp thiên hạ” [4]. Luật bắt đầu được ban hành và áp dụng năm Gia Long 12 (1813), năm thứ 14 (1815) in thành sách luật ban bố rộng rãi gọi là Hoàng Việt luật lệ.

Hoàng Việt luật lệ ban hành năm Gia Long thứ 12 (1813). Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV/Mộc bản triều Nguyễn.

– Quân đội:

Sau khi đánh bại Tây Sơn giành được chính quyền, vua Gia Long đã ban thưởng cho các tướng sĩ, cho hưởng chế độ tập ấm đối với con cháu người có công, lập đền thờ những người tử trận, lính già nua được cho giải ngũ về quê quán… Lại đặt ra phép giản binh để đỡ khó nhọc cho dân, các trấn từ Quảng Bình đến Bình Thuận, cứ 3 tráng đinh lấy 1 lính; từ Biên Hòa trở vào, cứ 5 tráng đinh lấy 1 lính; từ Hà Tĩnh trở ra đến Bắc thành, cứ 7 tráng đinh lấy 1 lính. Sáu ngoại trấn gồm Hưng Hóa, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Yên, cứ 10 tráng đinh lấy 1 lính. 

Theo nhận định của một số người phương Tây thì vua Gia Long là một nhà quân sự có tài. Ông rất quan tâm đến kỹ thuật vũ khí và đóng tàu của phương Tây, thường nghiên cứu và tìm cách học hỏi để chế tác. Vua cũng chủ động nhờ các kỹ sư nước ngoài giúp cho việc xây dựng thành trì kiểu châu Âu để kiên cố và dễ phòng thủ hơn. Dưới thời ông Kinh thành Huế, thành Gia Định, thành Thăng Long hay một số thành lũy tại các tỉnh chủ yếu được thiết kế xây dựng theo phong cách mới, kiểu Vauban. Ông cũng cho tìm hiểu đúc thử các loại súng thần công, thuyền đi biển bọc đồng, vì vậy quân đội nói chung và thủy quân nói riêng thời vua Gia Long là một trong những giai đoạn hùng mạnh dưới triều Nguyễn.  

– Kiến thiết xây dựng:

Năm 1804 bắt đầu kiến thiết xây dựng Cung thành (Tử Cấm thành) và Hoàng thành. Cung thành bốn mặt dài suốt 307 trượng 3 thước 4 tấc, xây bằng gạch, cao 9 thước 2 tấc, dày 1 thước 8 tấc. Phía trước có cửa Tả túc, cửa Hữu túc, bên tả là cửa Hưng Khánh, bên hữu là cửa Gia Tường, phía sau là cửa Tường Lân và cửa Nghi Phượng. Hoàng thành bốn mặt dài suốt 614 trượng, xây gạch, cao 1 trượng 5 thước, dày 2 thước 6 tấc. Hồ bọc ba phía, tả, hữu, hậu, dài suốt 464 trượng 1 thước. Phía trước có cửa Tả Đoan và cửa Hữu Đoan, bên tả là cửa Hiển Nhân, bên hữu cửa Chương Đức, phía sau có cửa Cung Thần. Cửa Tường Lân sau đổi làm cửa Tường Loan, cửa Cung Thần sau đổi làm cửa Địa Bình. 

Lại cho xây đắp Kinh thành, bốn mặt dài 2.487 trượng 4 thước 7 tấc, suốt bốn mặt có hào nước dài 2.503 trượng, 4 thước 7 tấc; có 10 cửa, mặt trước là cửa Thể Nguyên, cửa Quảng Đức, cửa Chính Nam, cửa Đông Nam, bên tả là cửa Chính Đông, cửa Đông Bắc, bên hữu là cửa Chính Tây, cửa Tây Nam, phía sau là cửa Chính Bắc, cửa Tây Bắc. Góc đông bắc đắp đài Thái Bình, trên đài mở một cửa gọi là cửa Thái Bình, cửa đài gọi là cửa Trường Định; thân thành đài dài suốt 246 trượng 7 thước 4 tấc. Kỳ đài cao 4 trượng, 4 thước. Cửa Thể Nguyên sau đổi làm cửa Thể Nhân, cửa Thái Bình sau đổi làm cửa Trấn Bình. 

Việc xây dựng lấy biền binh ở Kinh và các tỉnh từ Thanh – Nghệ ra đến Bắc Thành, cùng quân dân các doanh Quảng Đức, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định sung vào làm việc, cấp tiền gạo mỗi người mỗi tháng tiền 1 quan 5, gạo 1 phương 15 bát.

– Khoa cử:

Mặc dù vua Gia Long xuất thân võ tướng, các quan theo phò vua dựng nên cơ nghiệp hầu hết nhờ võ công, nhưng nhà vua cũng nhận thức được việc trị quốc cần phải cân bằng cả văn và võ. Vì vậy vua Gia Long khá chú trọng việc học hành khoa cử để chọn hiền tài ra giúp nước. Ngay khi mới lên ngôi, vua ban Chiếu cho các cựu thần nhà Lê và những hương cống học trò rằng: “Nay việc trong nước đã yên, võ công đã định, chính là buổi chấn hưng văn hóa, xây dựng trị bình”. Vua đề nghị nhân sĩ các nơi lần lượt vào yết kiến. “Ta sẽ nghe lời nói, thử việc làm, tùy tài mà bổ dụng, cho người hiền được có vị, người tài được có chức, hợp lòng nghĩ, chia mưu làm, để cùng nên đạo trị nước [5]. Do đó những người ẩn dật ở Bắc Hà đều lũ lượt ra giúp việc.

Khi cùng bầy tôi bàn phép khoa cử, vua Dụ rằng: “Khoa mục là con đường bằng phẳng của học trò, thực không thiếu được. Phải nên giáo dục thành tài, rồi sau thi Hương thi Hội lần lượt cử hành, thì người hiền tài sẽ nối nhau lên giúp việc”. 

Vua cho lập Văn miếu tại các doanh trấn thờ đức Khổng Tử để coi trọng việc học hành. Đặt Quốc tử giám ở Kinh đô để dạy học, giáo dưỡng các hoàng tử, con cháu trong hoàng tộc và quan lại trong triều đình. Ngoài ra cho đặt chức Đốc học ở các trấn và dùng những người có khoa mục để trông coi việc dạy dỗ.

Gia Long năm thứ 6 (1807) định phép thi Hương và thi Hội. Tháng 10 năm đó mở khoa thi Hương đầu tiên từ Nghệ An trở ra Bắc. Khoa thi năm Đinh Mão (1807) có 6 trường là Nghệ An, Thanh Hoa, Kinh Bắc, Sơn Tây, Sơn Nam và Hải Dương; lấy đỗ 61 người. Theo lệ định dự kiến năm trước thì Hương thì năm sau thi Hội nhưng sau Đình thần bàn thấy mới buổi đầu bình định, văn học còn ít, nên đình việc thi Hội. Năm Gia Long thứ 12 (1813) bắt đầu mở khoa thi Hương từ Quảng Bình trở vào Nam. Tuy nhiên khoa thi năm đó có 6 trường thì chỉ có Quảng Đức là Kinh đô và Gia Định ở phía Nam; còn lại 4 trường phía Bắc là Nghệ An, Thanh Hoa, Thăng Long, Sơn Nam; lấy đỗ 82 người. Ngoài ra còn có khoa thi năm Kỷ Mão (1819) tức Gia Long năm thứ 18 gồm 6 trường Trực lệ, Nghệ An, Thanh Hoa, Thăng Long, Sơn Nam và Gia Định; lấy đỗ 112 người.

– Ngoại giao:

Có thể nói thời vua Gia Long việc ngoại giao với lân bang khá yên ổn. Với nhà Thanh là nước lớn ông chủ trương thần phục, vì vậy sau khi lên ngôi ông cử ngay Thượng thư Bộ Binh Trương Quang Định làm Chánh sứ sang Trung Hoa cầu phong và đề nghị công nhận quốc hiệu mới. Đối với các nước như Ai Lao, Cao Miên, Chân Lạp ông chủ trương tiếp tục giữ quyền bảo hộ. 

Riêng với Xiêm La từ khi còn gian truân chống Tây Sơn ông đã một số lần phải cầu viện sự giúp đỡ, vì vậy sau khi phục quốc vua Gia Long luôn giữ mối quan hệ khá hữu hảo. Đồng thời quốc vương Xiêm La cũng duy trì mối quan hệ tốt với Việt Nam. Châu bản triều Nguyễn ghi chép sự kiện tháng 2 năm Gia Long 15 (1816) Nam Vang và Xiêm La xung đột rất căng thẳng tại vùng biên giới, Quốc vương Xiêm La gửi thư thông báo đến vua Gia Long về tình hình bất ổn tại Bát Tầm  [6]. Sau đó vua Gia Long đã gửi thư vấn an. Ngày 21 tháng 6 năm Gia Long 15 (1816) Quốc vương Xiêm La lại gửi thư cho vua Gia Long nói rằng: “Cảm tạ quý quốc đã có thư vấn an, nay tôi sai sứ thần đem chút lễ mọn đến cung tiến Quốc vương cùng Hoàng hậu, mong tình hữu nghị giữa hai nước chúng ta ngày càng bền chặt”. Sau đó ngày 23 tháng 8 năm Gia Long 15 (1816), vua Gia Long đã gửi thư phúc đáp rằng: “Cảm tạ việc quý quốc sai sứ thần đệ thư và tặng phẩm vật. Duy việc quân Nam Vang và Bát Tầm Bôn gây nhiễu ở biên giới quý quốc, Bộ Hình nước tôi sẽ phối hợp với quân đội quý quốc giải quyết và Bộ Lễ sẽ gửi thư trả lời sau. Tiện đây nhờ sứ thần của quý quốc chuyển tặng đến Quốc vương 4 thoi vàng ròng, 50 thoi bạc; tặng Hoàng hậu 2 thoi vàng ròng, 30 thoi bạc” [7]

Thư của Hoàng đế Gia Long gửi Quốc vương Xiêm La cảm tạ việc lễ vật đồng thời nhờ sứ chuyển tặng đến quốc vương Xiêm La năm Gia Long 15 (1816) Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I/Châu bản triều Nguyễn

Đối với phương Tây nói chung, vua Gia Long khá e dè, không muốn cởi mở giao thiệp, nhưng cũng không quá khắt khe. Riêng với nước Pháp, vua Gia Long có phần thân mật và trọng thị, bởi lẽ trước khi phục quốc ông đã phải dựa vào sự giúp đỡ của người Pháp. Vì vậy sau khi lên ngôi ông đã dành một số vị trí trong triều để ban thưởng cho những sĩ quan Pháp từng theo giúp mình. Tuy nhiên giai đoạn này nước Pháp dưới thời Napoléon I [8] đang khá bận rộn với các cuộc chiến chinh phạt Châu Âu nên cũng chưa có nhiều quan hệ với Việt Nam. Phải tới năm 1817 sau khi vua Louis XVIII lật đổ được Napoléon Bonaparte thì ngoại giao và thương mại giữa Việt Nam và Pháp mới khôi phục trở lại. Ngày 10 tháng Giêng năm Gia Long 16 (1817) nước Pháp thông qua viên Giám mục Nhược Hàn [9] đã gửi thư thông báo đến vua Gia Long về tình hình thay đổi chính phủ tại Pháp và bày tỏ sự mong muốn nối lại tình hữu nghị giữa hai nước [10]. Từ đó, tàu thuyền và những người Pháp bắt đầu đến Việt Nam ngày càng nhiều. 

Mặc dù thân mật với người Pháp nhưng vua Gia Long cũng khá thận trọng, việc “trả ơn” cho những người từng theo giúp ông phục quốc chỉ dừng ở bổng lộc chứ không phải quyền lực chính thức trong triều đình. Có lẽ ông đã sớm nhận ra tham vọng của người Pháp và Tây Âu cũng như mối quan hệ giữa truyền giáo và sự bành trướng của thực dân đối với mảnh đất Á Đông xa xôi này nên đã bắt đầu cảnh giác. Việc ông lựa chọn người kế vị là Hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm (tức vua Minh Mệnh), một người khá cứng rắn và không thiện cảm với phương Tây là một minh chứng. Những chính sách khắt khe của Minh Mệnh đối với Tây Âu và Công giáo đã phần nào cho thấy rõ mong muốn ly khai dần phương Tây của Gia Long và các vua nhà Nguyễn sau này. Và đó cũng là câu chuyện gây nhiều tranh cãi của người đời sau khi cho rằng chính việc tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của phương Tây một cách cực đoan đã khiến nhà Nguyễn bị cô lập dẫn đến việc không những không phát triển được kinh tế mà còn dễ dàng bị thực dân thôn tính.

Đón xem Kỳ III: Chân dung và cuộc đời

Chú thích:

[1] Đời vua Minh Mệnh, năm 1820 đổi thành Văn thư phòng, năm 1829 lại đổi thành Nội các.

[2] Thời Lê là chức Tham tụng, Bồi tụng.

[3] Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 4, bản dịch, NXB Thuận Hoá, Huế, 1993, trang 126-135 (mục Sổ Đinh, quyển 39: Bộ Hộ).

[4] Đại Nam thực lục, Đệ nhất kỷ, quyển XLV.

[5] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch của Viện Sử học, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2002, trang 507.

[6] Battambang (Campuchia).

[7] Châu bản triều Nguyễn, Gia Long tập 4, tờ 1-12.

[8] Napoléon I tên đầy đủ là Napoléon Bonaparte, phiên âm Hán Việt là Nã Phá Luân(拿破侖)(1769-1821) là một nhà chính trị, quân sự tiêu biểu của nước Pháp trong và sau cuộc Cách mạng Pháp, ông là Hoàng đế của nước Pháp từ năm 1804 đến năm 1815.

[9] Chưa rõ tên tiếng Pháp.

[10] Châu bản triều Nguyễn, Gia Long tập 4, tờ 13.