Để có cái nhìn đúng đắn công lao của Đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế, Ban biên tập xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết nhiều kỳ của tác giả Nguyễn Thu Hoài, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1. Ban biên tập trân trọng cám ơn tác giả và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 đã cho phép đăng tải lại trên trang web chính thức của Hội đồng Nguyễn Phúc Tộc Việt Nam.
Gia Long, vị Hoàng đế đầu tiên sáng lập nên triều Nguyễn, trị vì từ năm 1802 đến năm 1820. Ông là người thống nhất giang sơn về một mối sau gần 300 năm chia cắt bởi cuộc chiến phân tranh Trịnh-Nguyễn. Nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của Hoàng đế Gia Long, cùng nhìn lại sự nghiệp của ông và công cuộc khai sáng vương nghiệp nhà Nguyễn qua Châu bản và một số tư liệu lịch sử.
Gia Long tên thật là Nguyễn Phúc Ánh (Nguyễn Ánh), còn có húy là Chủng (種) hay Noãn (暖), là con trai thứ ba của hoàng tử Nguyễn Phúc Luân với bà Nguyễn Thị Hoàn, và là cháu nội của Chúa Nguyễn Phúc Khoát. Ông sinh ngày 15 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (ngày 8 tháng 2 năm 1762), mất ngày 19 tháng 12 năm Kỷ Mão (ngày 3 tháng 2 năm 1820), truyền ngôi cho Hoàng Thái tử Nguyễn Phúc Đảm tức vua Minh Mệnh (Minh Mạng). Có thể nói cuộc đời Nguyễn Ánh (Gia Long) là sự nghiệp của một võ tướng trên lưng ngựa. Năm 1777 khi mới 15 tuổi ông đã phải bôn tẩu gian nan, cùng với gia tộc chúa Nguyễn bắt đầu cuộc chiến 25 năm với Tây Sơn để khôi phục ngôi vị. Cho đến nay có khá nhiều quan điểm trái ngược về Nguyễn Ánh, nhiều người cho rằng ông bắt tay với Xiêm La, Pháp và nhà Thanh để chống lại Tây Sơn. Việc cầu viện ngoại bang nhằm khôi phục vương quyền đã khiến Nguyễn Ánh bị chỉ trích rất nhiều. Tuy nhiên khách quan mà nói, ông là người có đóng góp không nhỏ trong việc thống nhất giang sơn, kết thúc cuộc nội chiến liên miên nhiều thế kỷ ở Việt Nam.
Có thể nói cuộc đời Nguyễn Ánh (Gia Long) là sự nghiệp của một võ tướng trên lưng ngựa. Năm 1777 khi mới 15 tuổi ông đã phải bôn tẩu gian nan, cùng với gia tộc chúa Nguyễn bắt đầu cuộc chiến 25 năm với Tây Sơn để khôi phục ngôi vị. Cho đến nay có khá nhiều quan điểm trái ngược về Nguyễn Ánh, nhiều người cho rằng ông bắt tay với Xiêm La, Pháp và nhà Thanh để chống lại Tây Sơn. Việc cầu viện ngoại bang nhằm khôi phục vương quyền đã khiến Nguyễn Ánh bị chỉ trích rất nhiều. Tuy nhiên khách quan mà nói, ông là người có đóng góp không nhỏ trong việc thống nhất giang sơn, kết thúc cuộc nội chiến liên miên nhiều thế kỷ ở Việt Nam. Năm 1792, vua Quang Trung mất, nội bộ nhà Tây Sơn suy yếu, lợi dụng cơ hội đó Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn. Năm 1802 ông chính thức lên ngôi vua, lấy niên hiệu Gia Long, mở ra một triều đại quân chủ mới – Triều Nguyễn [1].
Ngày mồng 1 tháng 5 năm Nhâm Tuất (1802) ông cho lập đàn ở đồng An Ninh, hiệp tế trời đất, kính cáo việc đặt niên hiệu. Hôm sau kính cáo vong linh liệt thánh, lễ xong vua ngự ở điện, nhận lễ chầu mừng. Đặt niên hiệu là Gia Long, đại xá cho cả nước, ban chiếu cùng 6 điều thi ân.Năm 1804, sau khi lên ngôi sắp đặt chính trị ổn định, vua Gia Long sai Lê Quang Định cùng các sứ thần sang nước Thanh cầu phong và đề nghị công nhận quốc hiệu Nam Việt với ý nghĩa “Các đời trước mở mang cõi viêm bang, mỗi ngày một rộng lớn, bao gồm cả các nước Việt Thường, Chân Lạp, dựng quốc hiệu là Nam Việt, truyền nối hơn 200 năm. Nay đã vỗ yên được toàn cõi Việt, nên cho khôi phục hiệu cũ để chính danh tốt”. Nhưng vua nước Thanh cho rằng chữ Nam Việt dễ bị nhầm lẫn bao gồm cả Đông Tây Việt [2] nên không muốn cho. Vua Gia Long hai ba lần phục thư biện giải, lại nói nếu không cho thì không thụ phong. Vua nhà Thanh ngại mất lòng, mới cho dùng chữ Việt Nam để đặt tên nước [3].