Miếu thờ Đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế Gia Long tại Long Hưng, Lấp Vò, Đồng Tháp

Đây là nơi từng ghi dấu chân của Đức Thế Tổ trên đường phục quốc – thống nhất sơn hà.

Người dân nơi đây nhớ công lao của Đức Thế Tổ nên lập miếu thờ, tháng ngày hương khói.

Hằng năm cứ đến ngày 19 tháng chạp âm lịch, thì tổ chức lễ giỗ, để tri ân Ngài Cao Hoàng Đế và cầu mong quốc thái dân an.

Năm nay lần đầu tiên hậu duệ đời thứ 7 và 8 của Ngài Cao Hoàng Đế được tham dự (Ban tổ chức cho biết, trước đây có một số bà con Nguyễn Phúc Tộc có đến thăm nơi này, nhưng không đúng vào dịp lễ giỗ).

Chương trình lễ giỗ kéo dài từ sáng sớm đến chiều tối. Vì quan khách rất đông. Bao gồm các cơ quan, đơn vị truyền thông, đoàn thể của nhiều địa phương, các đơn vị hành chánh sự nghiệp trong địa bàn, các chức sắc của làng, xã, huyện và đông đảo nhân dân trong vùng.

Đơn vị, đoàn thể hoặc người dân nào đến trước, thì vào bàn của Ban tiếp lễ ghi tên, sắp sửa lễ vật, dùng trà nước. Chờ Ban nghi lễ xướng tên thì vào dâng cúng. Lễ xong, có người của Ban tổ chức mời qua khu vực kề bên dự tiệc. Xong đến lượt người khác. Mọi việc diễn ra tuần tự, trang nghiêm mà chu đáo.

Ở đây, Ban tổ chức có đặt hòm Công Đức, ai có lòng cúng dường thì phải ghi tên vào danh sách dâng cúng.

Theo lời kể của một vị trong Ban tổ chức, năm ngoái khách thập phương đến dự lễ giỗ xấp xỉ 2 ngàn người.

Trên tấm bia đá tước sân Miếu Thờ, khắc nội dung sau:

“SỰ TÍCH MIẾU CAO HOÀNG

(Miếu Gia Long)

Theo Đại Nam Thưc Lục Chánh Biên:

Tháng tám năm Đinh Mùi (1787), Nguyễn Vương về đất Hồi Oa Thủy, sai binh tướng xây đắp thành lũy bằng đất. Hoàng văn Trương và Tống Phước Ngoạn đóng bên tả, Nguyễn Văn Trương và Tô văn Đoài đóng bên hữu. Quân Tây Sơn kéo đến đắp lũy bao vây, hai bên đánh nhau suốt mấy ngày…Năm 1819 Vua Gia Long băng hà, người dân xây miếu trên nền đồn cũ cùng với cây đa (Cây đa Bến Ngự).

Theo Sa Đéc Nhơn Vật Chí:

Năm Mậu Thân (1849), Tổng đốc An Hà Doãn Uẩn cho dựng bia trên nền đền. Tổng đốc kế tiếp Cao Hữu Dực có làm bài văn tri tế:

Lễ đăng trì tế các vi

Cúi xin cảm kiến phò trì an ninh

Cầu cho Nhân kiệt Địa linh

Dân khương vật phát thái bình như xưa.

Năm Canh Thân (1920), chủ quản Lai Vung Nguyễn Đăng Khoa cùng nhân dân tu sửa miếu Đức Cao Hoàng, dân gọi là Miếu Gia Long. Trải bao năm tháng hư sập. Cây đa Bến Ngự được hạ xuống rạch Nước Xoáy ngăn tàu giặc Pháp. Năm 1958, Tỉnh trưởng Vĩnh Long Khưu Văn Ba cho dưng lại miếu. Thời chiến tranh không người chăm sóc, miếu hoang tàn đổ nát.

Năm 2003, miếu được nhân dân tu sửa với tên gọi là Miếu Đức Cao Hoàng, Ngày 16 và 29 Âm lịch là cúng lễ hàng tháng, ngày 19 tháng Chạp Âm lịch hàng năm, nhân dân khắp nơi đến làm giỗ.”(**)

Thật là ấm lòng, mừng cho Tổ Tiên ở nơi xa xứ vẫn có những thần dân tri ân và tưởng nhớ cả biển trời công lao dựng nước.

Cảm ơn sự nhiệt thành của người dân xứ Đàng Trong nói chung và Miền Tây sông nước nói riêng, trải qua bao thăng trầm đã góp sức và khắc ghi ân đức TRIỀU NGUYỄN suốt chiều dài lịch sử mấy trăm năm. Đến giờ, cả cõi trời vẫn Nam nhớ tới Đức Cao Hoàng, người dân nơi đây vẫn còn truyền tụng câu ca dao:

“…Ngó lên Nước Xoáy bùi ngùi,

Nhớ ông Cao Tổ vua tôi một lòng…”

Ghi chú:

(*) Đã 5 năm qua, cá nhân chưa có dịp về lại dự lễ giỗ Đức Thế Tổ tại đây, vì ngày húy nhật của Đức Thế Tổ hằng năm được tổ chức nhiều nơi, từ Hà Nội, Huế, Sài Gòn v.v… nên đành lỗi hẹn với tấm lòng thành của người dân miền Tây.

(**) Đức Thế Tổ băng hà ngày 19 tháng chạp năm Kỷ Mão, tức ngày 3 tháng 2 năm 1820, trên tấm bia đá khắc nhầm là năm 1819.

Tên các tướng khắc là: “…Hoàng văn Trương và Tống Phước Ngoạn đóng bên tả, Nguyễn Văn Trương và Tô văn Đoài đóng bên hữu…”, nhưng theo Đại Nam Thực Lục Chính biên Đệ nhất kỷ – Quyển III ghi là: “…Hoàng Văn Khánh và Tống Phước Ngạn đóng bên tả, Nguyễn Văn Trương và Tô văn Đoài đóng bên hữu…”

Vua tiến đóng ở Hồi Oa (thuộc tỉnh An Giang, chỗ hai nhánh Tiền Giang và Hậu Giang giáp nhau, nhiều dòng nước chạy tranh nhau thành nước xoáy nên gọi tên như thế), sai các tướng đắp thành đất, Hoàng Văn Khánh và Tống Phước Ngạn đóng bên tả, Nguyễn Văn Trương và Tô Văn Đoài đóng bên hữu, đối lũy với giặc, đánh vất vả luôn mấy ngày. Bèn sai chế thêm súng gỗ và kết hột cau khô làm đạn, dùng để đánh giặc. Giặc phải rút lui. Sai thuộc nội cai đội là Tô Văn Đoài đêm đi thuyền nhẹ lẻn vào các ngả đường Hàm Luông, Bình Phượng để dò tình hình địch. (sic).

Cồng chính của miếu thờ ghi: Đức Cao Hoàng Miếu
Long vị và di ảnh của ĐỨC THẾ TỔ CAO HOÀNG ĐẾ tại án thờ
Tấm bia ghi sự tích miếu Cao Hoàng (Miếu Gia Long) phía trước miếu thờ.
Phía trước miếu thờ, sau cây đa là bến sông Nước Xoáy. Người dân ở đây truyền rằng: Xưa kia Đức Thế Tổ cao Hoàng Đế từng ngồi nghỉ bên gốc đa này, nên mới có tên Cây Đa Bến Ngự.
Khách thập phương dâng lễ.
Người hộ lễ bên án thờ Đức Cao Hoàng Đế.
Dâng lễ.
Đoàn hành hương của Phòng Anh Duệ dâng lễ xong.
Chính diện miếu thờ. Bên phải là nơi ban tổ chức tiếp đón quan khách thập phương; Bên trái là nơi đãi tiệc.
Hậu duệ (đời thứ 7 thuộc Phòng Anh Duệ) chụp hình lưu niệm. Đoàn dự lễ gồm có: Nguyễn Phúc Liên Kiện (trưởng Phòng Anh Duệ), Nguyễn Phúc Liên Trình, Nhà nghiên cứu lịch sử Trương Ngọc Tường – Tiển Giang, Nguyễn Phúc Liên Quốc, Đào Thị Vang, Hồ Viết Vũ, Nguyễn Phúc Hu Quế Sơn, Tôn Nữ Khánh Ly.
Bà con dân làng tham quan.
Dãy bàn tiệc.
Bộ phận tiếp tân đang mời bà con dự tiệc sau khi lễ.
Tác giả và gia đình đang chụp ảnh lưu niệm.
Thụ lộc cùng bà con.